Bệnh Phong Ngứa Là Gì Và Nên Điều Trị Như Thế Nào Cho Mau Khỏi?
Bệnh phong ngứa là gì?
Phong ngứa thực chất là tên gọi thường được dân gian sử dụng để chỉ hiện tượng dị ứng nổi mề đay, ngứa, sưng đỏ có nổi mẩn trên da. Căn bệnh này được chia làm phong ngứa cấp tính và mãn tính. Trong đó phong ngứa cấp tính thường chấm dứt sau 2 - 3 tuần, phong ngứa mãn tính thường kéo dài hơn 6 tháng. Nhiều bệnh nhân bị phong ngứa mãn tính thường phải chịu đựng các triệu chứng của bệnh lý này trung bình khoảng 5 năm.
Nguyên nhân bị phong ngứa do đâu?
Phong ngứa có nhiều nguyên nhân theo cách nhìn của cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền.
Y học cổ truyền cho rằng bệnh phong ngứa thuộc chứng phong sang. Nguyên nhân chính của bệnh này là:
- Do sự xâm nhập của các chất lạ vào cơ thể
- Do cơ thể bị nhiễm ngoại tà hoặc thời khí ôn dịch khiến cơ thể bị phong nhiệt, phong thấp, phong thấp nhiệt, phong hàn...
Từ những nguyên nhân này, người bệnh bị uất kết ở da thịt và gây ngứa nổi mề đay.
Ngoài ra, bệnh phong ngứa mề đay còn xuất hiện là bởi nguyên nhân bên trong của cơ thể. Các tạng phủ bên trong hoạt động thiếu điều độ: can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư huyết trệ mà sinh ra phong ngứa.
Theo y học hiện đại, phong ngứa hay mề đay xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng lại những kích thích thường vô hại với cơ thể. Lúc này trong cơ thể sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại những chất vô hại này. Cùng với sự giải phóng kháng thể, histamine cũng sinh ra nhiều hơn và xâm nhập vào mao mạch máu dưới da. Những mao mạch này sưng lên, tiết dịch khiến da sưng đỏ và nổi mẩn.
Y học hiện đại đã tìm ra một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh phong ngứa là:
- Do dị ứng với thực phẩm (động vật có vỏ, hải sản, đậu nành, trứng...), một số loại thuốc, lông thú, phấn hoa, nấm mốc, bụi, cao su, hóa chất...
- Do các tác nhân vật lý: thời tiết nóng, lạnh, áp suất...
- Do mắc một số bệnh lý như lupus ban đỏ, bệnh thận mãn tính, bệnh về gan, u lympho...
Ngoài những nguyên nhân phong ngứa nổi mề đay kể trên, rất nhiều trường hợp bị phong ngứa những không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp này còn được gọi là nổi mề đay vô căn.
Triệu chứng bệnh phong ngứa
Khi bị phong ngứa, người bệnh sẽ nhận thấy một số dấu hiệu điển hình sau:
- Xuất hiện các nốt mẩn màu hồng hoặc trắng trên da.
- Ban đầu các nốt mẩn có kích thước nhỏ nhưng sau đó to dần và loang ra tạo thành vùng da sưng có viền rõ ràng và có nhiều nốt mẩn mọc tập trung.
- Người bệnh ngứa nhiều và thường xuyên muốn gãi.
- Phong ngứa nổi mề đay có thể xuất hiện ở nhiều khu vực và thường xuất hiện từng cơn rồi biến mất. Các nốt mẩn không để lại sẹo hay sắc tố trên da sau khi biến mất.
Các triệu chứng bệnh phong ngứa có thể tồn tại trong những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.
Phong ngứa và cách điều trị hiệu quả
Phong ngứa là bệnh tạo ra cảm giác khó chịu và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy khi có các triệu chứng phong ngứa nổi mề đay, bạn nên sớm đi khám để được chẩn đoán và chữa trị sớm. Hiện nay để điều trị bệnh phong ngứa, người bệnh có thể chữa theo phương pháp Tây y, Đông y kết hợp với điều trị giảm triệu chứng tại nhà:
Chữa phong ngứa theo Tây y
Để chữa trị phong ngứa theo Tây y người bệnh có thể sử dụng thuốc. Bệnh nhân sẽ được chỉ định các thuốc kháng histamine không theo đơn hoặc thuốc theo đơn để trị các triệu chứng ngứa da, nổi mề đay và sưng mạch.
Nếu nổi mề đay nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc steroid (corticosteroid dạng viên uống) trong một thời gian ngắn.
Nếu thuốc kháng histamine và corticosteroid không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần tới thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
Trong trường hợp khẩn cấp, người bệnh phong ngứa có thể được tiêm epinephrine khẩn cấp, một loại adrenaline dưới da để đảm bảo tính mạng.
Để biết nên sử dụng thuốc chữa phong ngứa nào phù hợp và an toàn bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận chỉ định cụ thể.
Điều trị phong ngứa theo Đông y
Ngoài cách chữa Tây y, phong ngứa còn có thể được chữa trị theo các bài thuốc Đông y. Thuốc Đông y chữa phong ngứa thường hướng đến nguyên tắc tiêu độc, trừ tà, chống dị ứng, an thần, lợi tiểu. Tùy theo thể bệnh sẽ có các bài thuốc cụ thể.
Thành phần: Tang diệp, cỏ mần trầu, kim ngân, rau má mỗi thứ 20g; quả ké, tang ký sinh, xương bồ mỗi vị 16g; hoàng cầm, bạch thược, cam thảo, sài hồ mỗi vị 12g. Những vị thuốc này đem sắc uống ngày một thang.
Thành phần: Hạ khô thảo, bồ công anh, ngải diệp, tang kí sinh, đơn mặt trời, cam thảo đất mỗi thứ 16g; rau má 20g; sài hồ, ngân hoa mỗi thứ 12g; quế 8g; kiện 10g. Những vị thuốc này đem sắc uống ngày 1 thang.
Tùy vào các triệu chứng bệnh cụ thể, thầy thuốc sẽ gia giảm các vị thuốc cho phù hợp. Khi sử dụng thuốc Đông y người bệnh cần kiên trì vì thuốc phát huy tác dụng chậm. Ngoài ra hiệu quả của thuốc còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Vì vậy nếu thấy thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh cần tìm đến phương pháp khác để điều trị bệnh tốt hơn.
Cách trị phong ngứa tại nhà
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chữa phong ngứa tại nhà cũng là vấn đề người bệnh cần nắm rõ để giúp điều trị phong ngứa mau chóng đạt hiệu quả hơn. Một số cách trị phong ngứa tại nhà giúp làm giảm triệu chứng phong ngứa khó chịu là:
- Bạn nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để giúp giảm ngứa và khô da, nhất là sau khi tắm.
- Sử dụng một tấm vải ẩm hoặc dùng túi chườm lạnh sẽ giúp giảm ngứa tức thời hiệu quả và giúp giảm viêm.
- Bạn có thể ngâm mình khoảng 10 -15 phút trong bồn tắm có hòa thêm yến mạch và baking soda để giúp làm dịu da và giảm kích ứng.
- Bạn có thể áp dụng cách trị phong ngứa dân gian bằng lô hội để giúp làm dịu da và giảm phát ban.
- Bạn nên hạn chế tiếp xúc với các chất dị ứng như nước hoa, xà phòng, kem dưỡng ẩm, ánh nắng mặt trời... Bạn cũng nên mặc quần áo rộng rãi nhằm giúp da không bị vải ma sát gây khó chịu.
- : Nếu chưa biết bị phong ngứa không nên ăn gì thì bạn nên chú ý kiêng những đồ ăn đồ uống dễ gây dị ứng như hải sản, các loại hạt cây, đậu nành, trứng, sữa, rượu, bia...
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh phong ngứa
Bệnh phong ngứa có nguy hiểm không?
Bệnh phong ngứa ít khi ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Chúng thường khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Những cơn ngứa kéo dài và can thiệp vào mọi hoạt động sống và cả giấc ngủ của người bệnh. Chính vì vậy sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nhiều.
Bên cạnh đó, bệnh phong ngứa thường biểu hiện ra bên ngoài bằng dấu hiệu nổi mề đay nên khiến nhiều người bệnh tự ti khi tiếp xúc với người xung quanh. Tình trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, khiến bệnh nhân buồn chán, thất vọng...
Ngoài ra, nổi mề đay còn có thể là dấu hiệu cảnh báo của phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ. Khi đó người bệnh thường bị khó thở, thở khò khè, sưng lưỡi, sưng họng, huyết áp giảm, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, muốn nôn, muốn ngất xỉu... Nếu sốc phản vệ không được cấp cứu kịp thời, tim người bệnh ngừng đập có thể xảy ra.
Bệnh phong ngứa có lây không?
Bị phong ngứa có lây không là một trong những vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rằng bệnh phong ngứa có thể lây nhiễm bởi vì bệnh này không phải bệnh truyền nhiễm.
Bệnh xuất hiện chủ yếu do cơ địa và thể trạng của mỗi người nên những người xung quanh tiếp xúc với người bệnh cũng không bị lây.
Từ những thông tin trên có thể thấy rằng phong ngứa là bệnh da liễu phổ biến gây ra nhiều tác động đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Hiện nay chưa có cách phòng ngừa căn bệnh này nhưng người bệnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách tránh xa các nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời khi mắc bệnh, nếu có triệu chứng của sốc phản vệ bạn nên nhờ những người xung quanh đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.